top of page
Tìm kiếm

"Peer Pressure" - xịn, xinh, sung, sướng, sang như bạn mình và cách dùng "áp lực" tạo "kim cương"

  • Ảnh của tác giả: Home Kim's
    Home Kim's
  • 12 thg 7, 2021
  • 5 phút đọc

Đã cập nhật: 16 thg 7, 2021

"Peer Pressure" - Áp lực đồng trang lứa là cảm giác áp lực phải thay đổi, hành động để giống theo/ trở thành người trong nhóm người cùng độ tuổi, cùng cấp độ, địa vị, khả năng với mình. Mình gọi nhóm này là nhóm "bạn anh em". Điều này cũng ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông.


"Peers are people who you socialize with or that are similar to you in age, interests, or in some other way. Peers can include people you are friends with, go to school with, work with or meet at an event. Peer pressure is when you are influenced by other people (your peers) to act in a certain way. If you're with friends who are doing something that you typically would not do and they convince you to do what they are doing, that is an example of peer pressure."


Mình sẽ không bàn đến khía cạnh quan điểm (họ đều nghĩ sống ở thành phố là tốt, còn mình thì không); hành động (ai cũng đọc sách, ngủ dậy sớm để thành công, còn mình thì không); sở thích (ai cũng thích ăn sầu riêng, còn mình thì không) vì dạng áp lực này gây áp lực nhiều hơn với các bạn nhỏ bởi các em chưa hình thành rõ năng lực "tin vào sở thích, quan điểm của mình" và việc nên "tôn trọng góc nhìn người khác". Còn ở lứa tuổi lớn hơn, như mình chẳng hạn, mình sẽ gặp áp lực bởi "chưa tin vào năng lực của mình", nhiều lúc cũng khi nhiều khi lướt facebook thấy bạn bè đồng trang lứa mình thành công quá, hạnh phúc quá, cố gắng quá tự nhiên lại áp lực.

How to be ...

- Tự nhiên cũng ra trường như nhau, mà đứa nào lương tháng cũng 15 -20 triệu trở lên?

- Tự nhiên tới cái độ tuổi mà ai cũng tập thể dục, dậy sớm, ăn uống lành mạnh, eat clean?

- Tự nhiên cũng ngày 24 tiếng như nhau mà sao bạn mình làm được nhiều thứ vậy?

- Tự nhiên cũng cùng tuổi như nhau mà sao nhiều bạn dậy thì thành công, dáng đẹp xỉu vậy?

- Tự nhiên ai cũng đi học, bằng khen, giải thưởng, làm cái này cái kia, giỏi quá trời quá đất dẫy?


Có thể bạn đọc các ví dụ trên thấy cũng bình thường thì hoặc là bạn đã vượt qua rồi, hoặc là cộng đồng của bạn không có nhiều người khác bạn tới mức có thể tạo ảnh hưởng. Áp lực nó là kiểu như thế này: tưởng tượng cả lớp ai cũng đậu đại học, một mình mình rớt, cả đám bạn ai cũng có việc làm, mình mình thất nghiệp. Không bàn đến đúng sai, lựa chọn của mỗi người, vượt qua như thế nào nhưng trước tiên chắc chắn bạn sẽ có áp lực trước đã.


Làm sao để mình được giống như bạn anh em mình? Vô tình dấy lên cảm giác so sánh là mình chưa được bằng họ và tạo ra áp lực rằng mình phải giống họ. Hoặc áp lực phải tin vào con đường mình chọn - mình khác họ và mình phải chứng minh rằng mình đúng.


Đã gọi là "áp lực" thì đương nhiên là nó cũng không vui vẻ gì, nhiều lúc gặp áp lực là muốn xỉu up xỉu down, nhanh trí né nó qua một bên cho nhẹ người. Tuy nhiên, giống như bài viết trước mình đã chia sẻ, cơ chế né tránh chỉ hữu hiệu một thời gian thôi, việc mình cần làm là thay đổi góc nhìn, vượt qua nó.

Vậy nên đoạn dưới mình sẽ cùng nói về việc Áp lực trở thành đồng cấp - xịn, xinh, sung, sướng, sang như nhóm bạn anh em. Làm sao để giảm đi phần mệt mỏi, cảm giác né tránh và tận dụng "áp lực" để tạo thành "kim cương"?


I. Nhìn nhận rõ hơn về áp lực đồng cấp này

Đi thẳng luôn vào vấn đề là: bạn đang lấy hậu trường của mình mà so sánh với trailer của người khác.

- Họ có đang thật sự hạnh phúc như họ thể hiện? Mình có đang thật sự không hạnh phúc? Cảm giác đó khoảnh khắc hay thường trực. "It's a bad day, not a bad life" thì hạnh phúc cũng vậy.

- Họ có đang thật sự cố gắng? Chắc là có, nhưng họ vẫn phải nghỉ ngơi mà, vẫn ngủ, vẫn phải tận hưởng cuộc sống chứ.

- Họ có đang thật sự giàu có? Chắc là có, khái niệm này người nghèo như mình không phân tích được :))) nhưng mình biết được, định nghĩa giàu có mỗi người sẽ khác, nhưng ai cũng sẽ muốn nâng cao chất lượng cuộc sống của mình, kiếm được nhiều, nhu cầu chi tiêu cũng nhiều.

Vậy thì chúng ta giống nhau - giống nhau về những cảm xúc, nhu cầu cơ bản, nhu cầu phát triển.

Hai là, cách vận hành cuộc đời mỗi người khác nhau, trong cùng một thời điểm, có người xây dựng hạnh phúc, xây dựng kinh tế, xây dựng học vấn, thế mạnh mỗi người khác nhau, mưu cầu khác nhau. Có người giỏi kiếm tiền, có người giỏi kiến thức, nhưng họ kiếm tiền cũng sẽ có kiếm được kiến thức mà kiếm kiến thức xong cũng để kiếm tiền, chỉ khác là làm cái nào trước, cái nào sau.

Vậy thì chúng ta khác nhau - khác về múi giờ, thế mạnh, sự đầu tư, sứ mệnh, sự lựa chọn.


=> Vậy tóm lại, việc trở nên đồng cấp, muốn trở nên xịn, xinh, sung, sướng, sang như bạn mình này đã diễn ra rồi, mình đang đồng cấp ấy, không có gì phải áp lực, chỉ lệch múi giờ tí thôi. Mình cũng đang xịn, xinh, sung, sướng, sang ấy.


II. Peer Pressure giúp được gì? Nhìn ở góc độ tích cực hơn thì...

Tiếp tục xét về áp lực đồng cấp, chắc hẳn mọi người đã có nghe "Luật hấp dẫn", khi bạn hướng về, nghĩ về, nhận thức về nó, bạn sẽ bị hấp dẫn bởi nó, nó hấp dẫn bạn, hai đứa hấp dẫn nhau và rồi ít nhiều gì cũng sẽ đạt được. Quy trình theo 5A (hay dùng trong Marketing): Awareness (nhận thức); Appeal (thu hút); Ask (tìm hiểu, yêu cầu); Action (hành động); Advocate (ủng hộ).


Ví dụ: Nhờ vào Peer Pressure - áp lực khi thấy bạn mình một tháng kiếm được rất nhiều tiền. Awareness: Nhận thức đầu tiên là mình cũng muốn có nhiều tiền; Appeal: Sau đó mình sẽ bị thu hút bởi tiền, bởi những việc kiếm ra nhiều tiền; Ask: mình sẽ đi tìm cơ hội kiếm ra tiền (làm thêm việc, cần lên chức, đổi công việc,...); Action: Hành động nộp CV, phỏng vấn, đàm phán, đi làm, nhận tiền. Advocate: nếu thấy cách này phù hợp mình sẽ tiếp tục làm tiếp, ủng hộ bản thân, tự hào lan tỏa. Vòng quay sẽ dừng lại khi bạn không đủ thấy hấp dẫn bởi việc mình trăn trở về nữa, có nghĩa lúc đó bạn cũng chả thấy áp lực nữa, thấy bình thường, có tiền cũng được, không cũng được hoặc lúc đó đã nhiều tiền rồi. Vậy tính ra áp lực này đã tạo động lực để bạn tạo kim cương, tích cực chứ nhỉ?


III. Vậy khi nào áp lực này sẽ biến mất?

Mình nghĩ đó là khi mình đã gặp rồi, vượt qua cơ bản vài cái và biết cách vận hành.

Là khi bạn đã vững bước, an lạc, coi nhẹ mọi việc, biết sống đủ, biết mình là một cá thể riêng biệt thì hết áp lực.

Là khi đủ trưởng thành, có nhiều mối lo, áp lực lớn hơn, thì mối lo này cũng bé xíu, xíu tới nỗi không cần phải bàn tới.


Bài viết được viết bởi kinh nghiệm góc nhìn cá nhân chứ không phải một cách học thuật, sách vở nào cả nha! Chịu không chịu đọc cho vui chứ hổng dám bắt làm theo nghen, hihi. Cảm ơn bạn đã đọc một bài thật dài đến đây!






 
 
 

Comments


Contact

Ask me anything

Thanks for submitting!

bottom of page